Có đến mức là “thảm hoạ sử dụng sai tiếng Việt” không?

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn phân tích lại 10 trường hợp tác giả Đinh Đức Cần đã “bắt lỗi” để xem đó thực sự có phải là các lỗi sai trầm trọng đến mức như vậy hay không.

Trong bài viết “Thảm hoạ sử dụng sai tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng” (báo CAND ngày 02/01/2016), tác giả Đinh Đức Cần đã phân tích một số ví dụ sử dụng từ ngữ mà tác giả cho là lỗi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tập trung chủ yếu vào chương trình “Dự báo thời tiết” trên VTV, và cho rằng đó là “thảm hoạ sử dụng sai tiếng Việt”. Dưới đây, chúng tôi thử phân tích lại 10 trường hợp tác giả Đinh Đức Cần đã “bắt lỗi” để xem đó thực sự có phải là các lỗi sai trầm trọng đến mức như vậy hay không. Các ví dụ phân tích được đánh số từ 1 đến 10 (với từ bị bắt lỗi được VIẾT HOA) theo trình tự xuất hiện trong bài viết của tác giả Đinh Đức Cần.

1) “Khối không khí lạnh đang MẤP MÉ biên giới nước ta”

Tác giả cho rằng “mấp mé” chỉ dùng cho chất lỏng (ví dụ “Nước mấp mé mặt đê”) nên nói như câu trên là sai. Thực ra, với ý nghĩa “đến gần sát một mức giới hạn nào đó”, “mấp mé” dùng cho cả các sự vật, hiện tượng khác không phải là chất lỏng, ví dụ:

– Hắn đậu vào trường ở mức mấp mé điểm sàn, 13 điểm. (Võ Trọng Kiên)

– Ucraina đang mấp mé bên bờ vực phá sản. (Báo Đất Việt)

Vì vậy, cách dùng từ “mấp mé” như câu trên không có gì sai, thậm chí còn gợi tả được hình ảnh khối không khí lạnh đang đến gần biên giới nước ta. Dĩ nhiên, cũng có thể diễn đạt bằng cách khác, chẳng hạn “Khối không khí lạnh đang tiến sát đến biên giới nước ta”, nhưng chưa hẳn đã hay hơn.

2) “Nhiệt độ QUANH QUẨN ở 18 độ C đến 21 độ C

Tác giả cho rằng “quanh quẩn” chỉ dùng để nói về động vật, nên nói “nhiệt độ quanh quẩn” là nhân cách hoá nhiệt độ “như con trâu quanh quẩn ở bãi cỏ, như con chó quanh quẩn trong sân” là kì cục. Thực tế, với ý nghĩa “di chuyển hay dao động trong một giới hạn hay phạm vi hẹp nào đó”, “quanh quẩn” còn được dùng cho các chủ thể không phải là động vật, ví dụ:

– Giá vàng quanh quẩn ở mức thấp nhất 5 năm rưỡi. (Tài chính thế giới)

– Giữa phiên, VN-Index quanh quẩn mốc 452 điểm. (www.abs.vn)

Tất nhiên, cũng có thể thay từ “quanh quẩn” bằng cụm từ “ở trong khoảng…”, hoặc “dao động trong khoảng…” nhưng đó là chuyện khác.

3) “Những thiệt hại do lũ lụt MANG LẠI

Tác giả nhận xét đúng khi cho rằng nên thay “mang lại” trong câu trên bằng “gây ra”, vì “mang lại” chỉ dùng cho cái gì có kết quả tích cực (ví dụ: mang lại lợi ích, mang lại niềm vui). Ở đây, tác giả dẫn ra ví dụ đúng nhưng cách giải thích chưa thật chính xác. Mặc dù có nghĩa “dẫn đến một kết quả nào đó, thường là tốt”, “mang lại” cũng có thể dùng với các bổ ngữ có nét nghĩa không tốt, ví dụ:

– Cuộc chia tay nào cũng mang lại buồn đau. (VnExpress) – Khi sự giàu có mang lại nỗi bất hạnh. (Yêu trẻ)

– Những mẫu đàn ông chỉ mang lại cho bạn sự bất hạnh. (Tintuconline)

Trong những câu trên, không phải câu nào cũng có thể thay “mang lại” bằng “gây ra” vì từ “gây ra” tiền giả định một hậu quả nặng nề hơn “mang lại”. “mang lại” có thể chấp nhận cả bổ ngữ có nghĩa tích cực và tiêu cực nên có thể viết một câu như :

– 2006 mang lại cho bạn niềm vui và nỗi buồn? (VnExpress).

Chúng ta không thể thay “mang lại” trong câu này bằng “gây ra”, hoặc sửa câu này thành: 2006 mang lại cho bạn niềm vui và gây ra cho bạn nỗi buồn?

4) “Cơn mưa ĐI từ dưới Mũi Cà Mau ĐI ngược lên các tỉnh Nam bộ”

Tác giả cho rằng vì mưa trên trời rơi xuống chứ không phải từ dưới đất chui lên nên không thể dùng động từ ‘đi” như ở câu trên. Nhưng nếu dùng từ “rơi” thay cho từ “đi” thì câu trên lại càng tệ hơn, mặc dù đúng là mưa “rơi” thật (Cơn mưa rơi từ Cà Mau rơi ngược lên các tỉnh Nam Bộ !?). Thực ra từ “đi” dùng ở câu trên không phải để mô tả chuyển động của những giọt mưa (là từ trên trời rơi xuống) mà là để mô tả sự di chuyển của cơn mưa ở trên mặt đất (từ Cà Mau đến các tỉnh Nam Bộ), vì vậy dùng từ “đi” không có gì sai. Trong đời thường, người Việt vẫn nói cơn mưa đến, cơn mưa đi, bão đến, bão đi…để chỉ sự chuyển động này. Thậm chí cách nói này còn được dùng cả trong thơ ca, truyện:

– Cơn mưa đi qua, xoá hết dấu vết mang em đi xa. (lời bài hát)

– Một cơn mưa đi qua (Tên một tập truyện của Trần Việt Anh)

5) “Sau đây là dự báo thời tiết TRÊN biển”

Tác giả cho rằng nếu đã có thời tiết “trên biển” thì phải có thời tiết dưới biển (có trên thì phải có dưới chứ?) và lẽ ra chỉ nên nói “thời tiết biển”. Xem các bảng tin dự báo thời tiết trên mạng thì thấy đúng “thời tiết trên biển” cũng chính là “thời tiết biển” thôi (vì thời tiết dưới lòng biển chưa cần và chưa thể dự báo được), ví dụ:

– Thời tiết biển 24H – Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn

– Dự báo thời tiết biển 10 ngày tới (07 – 16/01/2016)

Tuy nhiên, khi nói MC thêm từ “trên” để cụ thể hoá “thời tiết biển” thành “thời tiết trên biển” cũng không có gì sai cả. Thậm chí làm rõ nghĩa hơn thôi. Và MC làm như vậy được là vì đang nói (sử dụng ngôn ngữ nói, có yếu tố dư thừa) chứ không phải đang viết (sử dụng ngôn ngữ viết, chuẩn mực hơn).

6) “Tầm nhìn xa giảm xuống THẤP là dưới 10km”

Tác giả phê phán MC dùng trong cùng một câu hai chiều không gian là xa – gần và cao – thấp. Thực ra ở câu này nếu thay “thấp” bằng “gần” cũng không hay hơn (Tầm nhìn xa giảm xuống GẦN là dưới 10 km!?). Ở đây, cụm từ “thấp là” được dùng thừa khi nói, nếu cẩn trọng nên bỏ đi (chỉ cần nói: “Tầm nhìn xa giảm xuống dưới 10km”). Tuy nhiên cũng cần thông cảm, khi nói cũng có lúc người nói phải đệm thêm các từ dư thừa này để có thời gian suy nghĩ cho các phát ngôn tiếp theo.

7) “Không khí ẩm thấp ít nắng sẽ làm cho các ĐỐI TƯỢNG sâu bọ phát triển”

Tác giả phê phán đúng là không nên nói “đối tượng sâu bọ” mà có thể dùng cách diễn đạt khác hay hơn (chẳng hạn,” các loại sâu bọ”). Tuy nhiên, không phải vì thế mà không đùng từ đối tượng cho các trường hợp khác. Vì tính chất “trung hoà” về sắc thái của nó mà “đối tượng” có thể được dùng để chỉ người/vật tốt (đối tượng đảng, đối tượng ưu tiên…), xấu (đối tượng xấu), hoặc trung tính (đối tượng nghiên cứu).

8) À, VÂNG, Ở… quá nhiều!

Tác giả phê phán việc sử dụng quá nhiều các từ đệm (như: à, vâng, ờ…) trên các chương trình truyền hình. Đây là các từ đệm hay dùng trong khẩu ngữ, nên việc các MC sử dụng nó khi giới thiệu hoặc dẫn dắt các chương trình là chuyện bình thường. Vấn đề đáng phê phán có lẽ là việc lạm dụng chúng như dùng quá nhiều hoặc dùng ở những ngữ cảnh không cần thiết (chẳng hạn, mới mở đầu đã à, vâng…như tác giả chỉ ra). Tiếc là các chứng cứ tác giả đưa ra chưa nhiều và chưa đủ sức thuyết phục.

9) CÁI… sao mà lắm “CÁI” thế?

Tác giả phê phán nhiều người nói sử dụng từ “cái” quá nhiều (ví dụ: cái chàng trai, cái chính sách…) mà theo tác giả, “cái” là từ chỉ giới nữ, không thể dùng lung tung như thế được. Ở đây, tác giả đã nhầm khi không phân biệt giữa tính từ “cái” chỉ giống cái (chứ không chỉ là nữ như tác giả quan niệm, ví dụ: lợn cái, bò cái), với “cái” là loại từ chỉ bất động vật (cái bàn, cái ghế…) và “cái” là từ chỉ xuất (cái con mèo này, cái anh chàng kia…). Trong các ví dụ mà tác giả dẫn ra để phê phán (cái anh chàng, cái chính sách …) thì “cái” đóng vài trò là tử chỉ xuất xác định (để trực chỉ sự vật được nói đến trong ngữ cảnh), chứ không phải là loại từ “cái” (như trong: cái bàn, cái ghế), càng không phải là tính từ chỉ giống cái (như trong: lợn cái). Việc sử dụng thường xuyên từ “cái” chỉ xuất này trong khẩu ngữ là chuyện bình thường vì người nói luôn có nhu cầu chỉ ra các sự vật xác định, ngoại trừ những trường hợp tạo ra sắc thái nghĩa không tôn trọng (như: cái thầy giáo này). Có thể nói hiện tượng sử dụng nhiều từ “cái” chỉ xuất khi nói là một đặc trưng của khẩu ngữ tiếng Việt (GS. Hi Van Luong, ĐH Toronto – Canada, đã có 1 công trình nghiên cứu khá công phu về hiện tượng này).

10) HIỆN DIỆN (hay XUẤT HIỆN?)

Phê phán cách dùng từ “hiện diện” trong các câu như “sự hiện diện của tàu sân bay”, tác giả cho rằng nên thay từ “hiện diện” bằng từ ‘xuất hiện” vì theo tác giả, “nói chung không nên dùng từ Hán Việt khi từ thuần Việt có đủ khả năng biểu hiện” (tôi nhấn mạnh – NHC). Ở đây gợi ý thay thế từ của tác giả là chấp nhận được (vì dùng “sự hiện diện của tàu sân bay” không sai nhưng không hay lắm) nhưng lí do tác giả đưa ra lại sai: cả hai từ “hiện diện” và “xuất hiện” đều là từ Hán Việt cả, không có từ nào thuần Việt. Và _việc dùng “xuất hiện” thay thế cho “hiện diện” không phải là vì nó thuần Việt hay Hán Việt mà bởi vì nó phủ hợp với nghĩa của câu hơn.

Kết luận

Tác giả Đinh Đức Cần đã “bắt lỗi” 10 cách dùng từ ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên chương trình “Dự báo thời tiết” của VTV. Qua những phân tích trên đây có thể thấy trong 10 trường hợp tác giả “bắt lỗi” chỉ có 1 trường hợp dùng từ ngữ không đúng lắm (dùng cụm từ “đối tượng sâu bọ”), còn những trường hợp còn lại không sai, mặc dù có thể thay thế bằng cách diễn đạt khác (như các từ “mấp mé” , “quanh quẩn”, “mang lại”, “hiện diện”), hoặc lưu ý đến mức độ và cảnh huống sử dụng (như với các từ đệm “à”, “vâng”…, từ chỉ xuất “cái”). Chúng tôi thấy, trong phạm vi khẩu ngữ, việc sử dụng từ ngữ như vậy là chấp nhận được chứ không nên “bắt lỗi”, càng không nên coi là “lỗi sai trầm trọng” hay là “thảm hoạ” sử dụng tiếng Việt.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn

Bài mới

Bài khác