Thông báo lịch thi Đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài năm 2023, hình thức thi trên máy tính.
Lịch thi Đánh giá năng lực tiếng Việt năm 2023
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) thông báo lịch thi Đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài năm 2023, hình thức thi trên máy tính.
1. Lịch thi và thời hạn đăng kí dự thi
TT | Lịch thi | Thời hạn nộp hồ sơ và lệ phí thi |
1 | 29/07 và 30/07/2023 | 26/06/2023 – 10/07/2023 |
2 | 30/09 và 01/10/2023 | 28/08/2023 – 11/09/2023 |
3 | 02/12 và 03/12/2023 | 30/10/2023 – 13/11/2023 |
* Nhà trường không tổ chức thi Đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt nếu số lượng đăng kí dự thi dưới 30 thí sinh/kì thi.
2. Thời gian và địa điểm thi
– Buổi sáng: thi bài thi kĩ năng nghe, đọc, viết từ 8:00 đến 11:00, sinh viên phải có mặt tại địa điểm thi trước 7h15.
– Buổi chiều: thi bài thi kĩ năng nói từ 13:30;
– Địa điểm thi: nhà BC, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
3. Đối tượng dự thi
Các cá nhân có nhu cầu được đánh giá năng lực tiếng Việt và cấp chứng chỉ tiếng Việt:
a) Có hồ sơ đăng kí dự thi hợp lệ; đóng đầy đủ lệ phí thi, lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định;
b) Không trong thời gian bị cấm thi theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 29 Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT ngày 07/10/2021 (Cấm tham dự kì thi đánh giá năng lực tiếng Việt trên toàn quốc trong 02 năm tiếp theo đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau: Để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kì thi; hành hung người tổ chức thi hoặc thí sinh khác).
4. Lệ phí dự thi
4.1. Đối với thí sinh không học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: 3.800.000 VND
4.2. Đối với thí sinh học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từ 60 giờ trở lên trong 6 tháng trước ngày thi: 2.500.000 VND
5. Hồ sơ đăng kí dự thi
- 02 ảnh cỡ 4×6 (cm) được chụp không quá 06 tháng trước ngày đăng kí dự thi, mặt sau của ảnh ghi rõ họ và tên, ngày sinh;
- Bản sao hộ chiếu còn hiệu lực;
- Phiếu đăng kí dự thi (gồm thông tin về họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, số và ngày cấp hộ chiếu, thời gian, địa điểm đăng kí dự thi và các thông tin cần thiết khác);
- 01 bản photo minh chứng học viên học tập tại Nhà trường từ 60 giờ trở lên trong 6 tháng trước ngày thi (nếu có).
* Ghi chú: Thí sinh mang theo bản gốc giấy tờ tuỳ thân và minh chứng học viên để đối chiếu khi nộp hồ sơ dự thi.
6. Nộp hồ sơ và lệ phí thi
- Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, phòng, 114 nhà A , 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
- Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Nhà B7 Bis, phố Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
* Thời gian tiếp nhận hồ sơ và lệ phí thi trong tuần: Từ thứ Hai đến thứ Sáu, buổi sáng từ 8:30 đến 11:30, buổi chiều: từ 14:00 đến 16:30
7. Thông tin về kì thi
Thí sinh xem địa điểm thi, danh sách phòng thi, số báo danh và lịch thi tại: ussh.vnu.edu.vn
*Lưu ý: Khi đi thi, thí sinh phải mang giấy tờ tuỳ thân (bản gốc) còn hiệu lực. Thí sinh không được mang vào khu vực thi: điện thoại di động, các phương tiện thu phát sóng, các vật dụng thiết bị khác, kể cả đồng hồ đeo tay… Thí sinh đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.
8. Định dạng bài thi
• Đề thi kĩ năng nghe:
– Phần 1: Thí sinh nghe một câu hỏi hoặc một tình huống sau đó chọn đáp án đúng;
– Phần 2, 3, 4: Thí sinh nghe một đoạn hội thoại hoặc một đoạn văn bản sau đó chọn đáp án đúng;
*Chú ý: Đề nghe chỉ được nghe một lần.
• Đề thi kĩ năng đọc: đề gồm 40 câu, thí sinh đọc các đoạn trích sau đó chọn đáp án đúng;
• Đề thi kĩ năng viết: Đề viết có 3 phần:
– Phần 1: Điền từ vào chỗ trống;
– Phần 2: Trả lời một bức thư;
– Phần 3: Viết một bài luận;
• Đề thi kĩ năng nói: Đề thi có 3 phần:
– Phần 1: Trả lời câu hỏi;
– Phần 2: Thảo luận và lựa chọn một trong các phương án được đưa ra;
– Phần 3: Thí sinh nói về một chủ đề chung hoặc một chủ đề học thuật cho sẵn, có thể sử dụng các ý được cung cấp sẵn hoặc tự phát triển các ý riêng của mình (phần 3 kết thúc với một số câu hỏi thảo luận về chủ đề trên);
Lưu ý: Đề thi Nghe, Đọc, Viết sẽ thi trên máy.
9. Kết quả thi
– Thông báo tại ussh.vnu.edu.vn tối đa sau 5 ngày làm việc kể từ ngày thi.
– Điểm kĩ năng Nghe, Đọc, Viết, Nói và điểm kết luận được tính trên thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,5.
– Điểm kết luận được quy đổi theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài như sau:
Khung năng lực tiếng Việt | Điểm |
Bậc 1 | 1,0 – 1,5 |
Bậc 2 | 2,0 – 3,5 |
Bậc 3 | 4,0 – 5,5 |
Bậc 4 | 6,0 – 7,0 |
Bậc 5 | 7,5 – 8,5 |
Bậc 6 | 9,0 – 10,0 |
– Mô tả tổng quát:
Các bậc | Mô tả tổng quát |
Bậc 1 | Hiểu, sử dụng được các cấu trúc ngôn ngữ quen thuộc; biết sử dụng các từ ngữ cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao tiếp cụ thể; tự giới thiệu bản thân và người khác; trình bày được những thông tin về bản thân như: nơi sinh sống, người thân/bạn bè và những người khác. Có khả năng giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ. |
Bậc 2 | Hiểu các câu và cấu trúc ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên, liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản như: thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm. Có khả năng trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hàng ngày, mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu. |
Bậc 3 | Hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về những chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí. Có khả năng xử lí được hầu hết các tình huống xảy ra khi đến nơi có sử dụng tiếng Việt; viết được đoạn văn đơn giản liên quan đến những chủ để quen thuộc hoặc cá nhân mình quan tâm; mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, mong muốn và trình bày ngắn gọn được lí do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình. |
Bậc 4 | Hiểu được ý chính của một văn bản tương đối phức tạp về các chủ đề khác nhau, kể cả những trao đổi có nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có khả năng giao tiếp trôi chảy, tự nhiên với người Việt; viết được những văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và nêu được quan điểm của mình về một vấn đề, chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau. |
Bậc 5 | Nhận biết và hiểu được hàm ý của những băn bản dài, có phạm vi nội dung rộng. Có khả năng diễn đạt trôi chảy, tức thì, không khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt; sự dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích quan hệ xã hội, mục đích học thuật và chuyên môn; viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết trong văn bản. |
Bậc 6 | Dễ dàng hiểu hầu hết các văn bản nói và viết. Có khả năng tóm tắt được các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại và trình bày lại một cách logic; diễn đạt rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được những khác biệt tinh tế về ý nghĩa trong các tình huống phức tạp. |
Lưu ý:
– Không xét quy đổi theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài nếu thí sinh có 1 trong 4 kĩ năng đạt điểm dưới 1.
– Thí sinh chỉ được quy đổi tối đa là Bậc 2 theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài nếu 1 trong 4 kí năng đạt điểm dưới 3,5.
10. Phúc khảo bài thi
– Sau khi công bố kết quả thi trên Website, trong thời hạn 07 ngày làm việc thí sinh có nhu cầu phúc khảo phải gửi đơn đề nghị phúc khảo bài thi, lệ phí phúc khảo là 100.000 đ đối với việc chấm cho 1 kĩ năng (Nghe/Đọc/Nói/Viết) tại phòng Đào tạo, 609 nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
– Kết quả phúc khảo được công bố chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên nhận đơn phúc khảo.
11. Chứng chỉ
– Chứng chỉ tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Thí sinh xuất trình hộ chiếu khi nhận chứng chỉ.
– Thí sinh nhận chứng chỉ tại đơn vị nộp hồ sơ dự thi.